Lời Ban biên tập: Để thể hiện sự quan tâm và sự đóng góp của Hội thơ Đường luật Việt Nam đối với các hoạt động văn hóa của đất nước, chúng tôi đăng nguyên văn bài dự thi của một hội viên đã đạt giải 3 trong cuộc thi “Viết văn tế Đại thi hào Nguyễn Du”. Đây là một trong hai cuộc thi (cùng với cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”), từ tháng 2/2019 đến tháng 4/2020 trên phạm vi toàn quốc, do bốn đơn vị đồng tổ chức: Hội Kiều học Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và UBND tỉnh Hà Tĩnh, nhằm chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào (sẽ diễn ra đúng ngày giỗ của Đại thi hào: 10/8 âm lịch, tức ngày 26/9/2020 tại Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
BÀI DỰ THI “SÁNG TÁC VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU”
Người dự thi: Nguyễn Xuân Lộc; Bút danh: Xuân Lộc.
Năm sinh: 1947; Quê quán: Khánh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.
Nguyên giảng viên Toán trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội, đã nghỉ hưu.
Đã từng là lưu học sinh tại nước CHND Trung Hoa và từng đi phiên dịch tiếng Anh 5 năm ở nước ngoài.
Hiện là Phó Chủ tịch Hội thơ Đường TP Hà Nội (Trực thuộc Trung Tâm Văn hóa TP Hà Nội) (*), Phó Chủ nhiệm CLB thơ dịch (thuộc Hội nhà văn Hà Nội).
Địa chỉ: 164, Phố Vương Thừa Vũ, Phường Khương Trung, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.
ĐT: 0904 261 013; Email: locnguyen43@gmail.com
(*) Kể từ tháng 1/2020, tác giả đã xin thôi công việc tại Hội thơ Đường Hà Nội, vì không đủ sức tham gia cùng lúc nhiều CLB thơ.
VĂN TẾ ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
Hỡi ôi!
Tài trí tại người
Vinh hoa do phước.
Thời gian như nước chảy dưới cầu, thoắt đã trải mấy trăm năm
Thế sự tựa bóng câu qua cửa, mới đó từng qua lắm cuộc.
Nhớ linh xưa,
Dòng dõi trâm anh
Xuất thân quý tộc.
Bảy đời Viễn Tổ đỗ đạt, thăng quan
Thân cận anh em thành danh, tiến tước.
Cha Nguyễn Nghiễm, chức Tham Tụng thực lắm công lao
Anh Nguyễn Khản, hàm Tể Tướng tràn đầy mưu lược.
“Nhị Thân phụ tử” (1) – Chúa Trịnh tặng ban
“Hồng Sơn thế phả” (2) – nhân dân đưa rước.
Say với thơ văn
Vui cùng vườn tược.
Theo bước cha anh, dạ gắng lập thân
Sánh vai bạn hữu, lòng nuôi nguyện ước.
Thế mà,
Khuất bóng mẹ cha, khi tuổi còn thơ (3)
Chịu cảnh mồ côi, lúc còn trứng nước.
Tắt lửa tối đèn, biết lấy ai giúp đỡ sớm hôm
Trở trời trái gió, còn đâu người cậy nhờ sau trước!
Tuy nhiên,
Tuổi còn trẻ, chí ngẩng cao đầu
Khó tuy nhiều, chân không hụt bước.
Sách vở đầy bốn vách (4), thây kệ kẻ vui chơi
Chữ nghĩa chật mấy bồ, mặc cho người xuôi ngược.
Dùi bút mài nghiên, cho thỏa chí nam nhi
Sôi kinh nấu sử, để Vũ Môn quyết vượt.
Cho nên,
Mười bảy tuổi đã thi đỗ Tam Trường
Chửa thành niên mà am tường thế cuộc.
Thế rồi,
Trận bể dâu thay lắm tính toan
Cuộc tang hải đổi bao mộng ước.
Thương thay:
Vợ yếu đau, ở đậu nhà người
Con đói rét, sống nhờ quà phước (5).
Sinh kế – hùng tâm, cùng thấy mịt mờ (6)
Yếu đau – bạc tóc (7), nhìn thêm rách xước.
Mười năm gió bụi (8), ở chực người quen
Một quãng truân chuyên, ăn nhờ quyến thuộc.
Không cam chịu trói chân tay
Quyết đổi đường đi nước bước.
Để rồi,
Tập truyện Kiều hơn ba nghìn câu, tính nhân văn được ngợi ca khắp Bắc chí Nam
Thơ chữ Hán quá hai trăm bài, chất bác học từng truyền tụng từ xuôi đến ngược (9).
Hai kiệt tác Nôm ngữ (10), hiếm kẻ so bì
Một thi đàn Hán văn, mấy ai sánh được!
Lắm chuyện đã xẩy ra
Nhiều điều chưa có trước:
Lạ kỳ thay: người không biết chữ, sách truyện Kiều đọc miệng làu làu
Thật kinh ngạc: kẻ ít học hành, thơ cụ Nguyễn nằm lòng thông thuộc.
Lẩy Kiều kiếm thú vui
Bói Kiều tìm duyên phước.
Người lao động, ru chuyện cô Kiều để thỏa thú cầm ca
Khách văn chương, đọc thơ cụ Nguyễn bút lực thêm tiến bước.
Vịnh Kiều, tâm được giãi bày
Nhại Kiều, trí thêm hài hước.
Tác phẩm tuyệt vời, giành được 27 kỷ lục quốc gia – duy nhất nước Nam
Truyện thơ xuất sắc, dịch ra 22 ngữ văn thế giới – hiếm đâu có được (11)
Đã bao người:
Xem truyện Kiều, lòng hân hoan như cỏ gặp xuân
Đọc Cụ Nguyễn, dạ phấn chấn tựa rồng gặp nước!
Ôi! Nguyễn Tiên sinh ôi!
Người khóc nàng Tiểu Thanh xấu số, hay khóc cho chính thân mình?
Cụ thương kẻ gẩy đàn già nua (12), hay thương bao người bạc phước?
Khóc ca nữ tài danh: sống trên đời – phận nghiệp chướng nặng mang
Viếng cô đào tuyệt sắc: chết dưới mồ – kiếp phù sinh rước chuốc! (13)
Quanh thân nàng Kiều, nước mắt Người đã chảy chưa khô (14)
Bên người khốn khổ, lệ thi nhân từng chan vẫn ướt!
Suy đến mai sau
Ngẫm về ngày trước:
Người tự hỏi, ba trăm năm nữa, liệu còn ai khóc nhớ Người không? (15)
Điều chắc chắn, cả ngàn năm sau, Người sống mãi trong hồn đất nước!
Tài trí Người đất nước mãi không quên
Công lao Người toàn dân luôn đón rước!
Thơ thành, cây cỏ hóa ngàn năm (16)
Cảo thơm, Tiên Điền thành vượng phước!
Dẫu mong chỉ để mà mong
Dù ước cho lòng được ước:
Phải chi Người còn, tiếng Việt mình càng sáng trong hơn
Giá Người thêm thọ, ngôn ngữ ta càng cao tầm thước!
Chúng con nay,
Sơ sài lời điếu câu văn
Đạm bạc chùm hoa bát nước (17).
Bến Giang Đình (18) mưa rơi rả rích, thương thi sỹ năm xưa
Rừng Hồng Lĩnh cây cỏ ủ ê, nhớ vĩ nhân thuở trước!
Xót xa người vắng thơ còn
Tha thiết lòng phơi dạ ước:
Hồn có linh thiêng
Niệm tình lĩnh phước!
Hỡi ơi!
Có linh xin hưởng!
Chú thích:
(1) Chúa Trịnh đã ban bốn chữ “Nhị Thân phụ tử” (hai cha con họ Thân), để ví hai cha con Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản với hai cha con họ Thân rất nổi danh (là Thân Nhân Trung và Thân Nhân Tín thời Lê Thánh Tông).
(2) “Hồng Sơn thế phả”: Dòng họ đời đời như núi Hồng, là nội dung bức hoành phi do các nhân sĩ tặng họ Nguyễn Tiên Điền.
(3) Năm Nguyễn Du được sinh ra (1766), cha là Nguyễn Nghiễm đang làm Tả tướng, sau đó được thăng Thái tử Thiếu bảo, ân điển tới tấp, nên khi ấy Nguyễn Du khá sung sướng. Tuy nhiên, khi ông 10 tuổi thì cha mất, 13 tuổi thì mẹ mất.
(4) “Tứ bích đồ thư bất yếm đa”: Sách vở đầy bốn vách, bao nhiêu cũng không vừa, là câu thơ trong bài “Tạp ngâm kỳ 1” thuộc tập “Thanh Hiên thi tập” (THTT).
(5) “Cơ hàn bất giác thụ nhân liên”: Đâu ngờ đói rét để cho người thương, là câu thơ của Nguyễn Du trong bài “Khất thực”, thuộc tập THTT.
(6) “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên”:
Tráng sĩ đầu bạc ngửng nhìn trời, lòng bi đát / Hùng tâm sinh kế cả hai đều mờ mịt: là hai câu thơ trong bài “Tạp thi kỳ 1” – THTT.
(7) Khi chưa đến 30 tuổi, Nguyễn Du đã bị bạc tóc. Có thể thấy “tóc bạc” và “yếu đau” là hai hình ảnh được xuất hiện khá nhiều trong “Thanh Hiên thi tập”.
(8) Nguyễn Du cho rằng trong 10 năm gió bụi (1786-1796) ông đã phải “lữ thực” (sống lang thang mà kiếm ăn).
(9) Truyện Kiều gồm 3254 câu; thơ chữ Hán (trong 3 tập: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục) gồm 249 bài.
(10) Hai kiệt tác chữ Nôm là “Truyện Kiều” và “Văn tế thập loại chúng sinh”.
(11) Truyện Kiều đã được dịch ra 22 thứ tiếng nước ngoài như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, …với 65 bản dịch. Tổ chức “Liên minh kỷ lục thế giới” đã cấp giấy chứng nhận cho Việt Nam, xác nhận rằng “Tryện Kiều là tác phẩm văn học tạo nhiều kỷ lục quốc gia nhất trên toàn thế giới”.
(12) Nhân vật trong “Long Thành cầm giả ca” (bài ca về người gãy đàn ở thành Thăng Long), thuộc tập “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du.
(13) Ý trong hai câu thơ ở bài “Điếu La Thành ca giả”: viếng ca nữ đất La Thành (THTT).
(14) Thơ Tố Hữu: “Tố Như ơi lệ chảy quanh thân Kiều” từ “Bài ca mùa xuân 1961”.
(15) “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” (“Độc Tiểu Thanh ký” – THTT).
(16) “Thi thành thảo thụ giai thiên cổ”: câu thơ của Nguyễn Du trong bài “Hán Dương vãn diểu” (Ngắm cảnh chiều ở Hán Dương), thuộc tập “Bắc hành tạp lục”.
(17) Nhân dân Nghệ Tĩnh rất chuộng nước chè xanh, nước được đựng trong bát.
(18) Bến Giang Đình bên bờ sông Lam, là nơi Nguyễn Du có nhiều kỷ niệm và có bài thơ “Giang Đình hữu cảm” thể hiện lòng hoài niệm sâu sắc.